Hiện nay, tổng đàn heo khoảng 2,4 triệu con (chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với 1.297 trại, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn, với khoảng 7.700 nông hộ); tổng đàn gà khoảng 24,5 triệu con (chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 419 trang trại, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn, với khoảng 22.800 nông hộ). Ngoài heo và gà là vật nuôi chủ lực của tỉnh, còn có các vật nuôi khác như: bò (khoảng 86.000 con), trâu (khoảng 3.700 con), dê (khoảng: 277.000 con), vịt, ngan, ngỗng (khoảng 2,5 triệu con) và chim cút (khoảng 6,8 triệu con).

đàn gà thịt nuôi công nghiệp tại trang trại gà ở huyện Trảng Bom

chuồng heo nái đẻ của trang trại heo tại huyện Long Thành
Với tổng đàn chăn nuôi heo, gà khá lớn, cùng với sự đa dạng về các loài vật nuôi và quy mô chăn nuôi; việc quản lý chăn nuôi khá phức tạp, cần thiết phải có những quy định cụ thể hóa Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi trong từng lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngoài dự thảo quy định vùng cấm chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi, chuẩn bị được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp giữa năm 2021, ngày 01/6/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 (Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 01/6/2021); theo đó, quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 1,5 đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp (đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính; mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống; đơn vị vật nuôi là căn cứ để tính quy mô chăn nuôi - cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi hoặc các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi.)
Việc ban hành Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để xác định số lượng, khối lượng vật nuôi trên diện tích đất nông nghiệp, góp phần quản lý tốt hoạt động chăn nuôi, môi trường chăn nuôi và phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đồng thời, là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo quy định trong lĩnh vực đầu tư hoạt động chăn nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi và môi trường sinh thái của tỉnh.
Thùy Dương - Chi cục CNTY