Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND huyện Trảng Bom và Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi làm việc triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu trên địa bàn huyện Trảng Bom. Buổi làm việc có sự tham gia của Lãnh đạo các Sở, ngành, Hội công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban có liên quan, đại diện chính quyền các địa phương, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể…trên địa bàn huyện.

Dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10/11/2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 dự án mới chính thức triển khai tại các cơ sở giết mổ, chợ, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện dự án TXNG trên địa bàn 10 huyện, thành phố: Xuân Lộc, Long Thành, Tân Phú, thành phố Long Khánh, Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Kể từ ngày 10/11/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, triển khai việc đăng ký tham gia dự án đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, một số chợ bán lẻ; các doanh nghiệp, nhà thầu bếp ăn tập thể; các nhà trường có tổ chức bữa ăn cho học sinh; cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom heo, thương nhân thu mua heo trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 12/9/2022, có 1.161 cá nhân, tổ chức đã đăng ký và được cấp tài khoản: 04 siêu thị, 26 Cửa hàng tiện lợi, 11 chợ, 40 cơ sở giết mổ heo, 121 Thương nhân thu mua heo, 782 cơ sở chăn nuôi, 05 cơ sở thu gom, 06 cơ sở bán sỉ, 04 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, 162 bếp ăn trường học.
Từ ngày 23/12/2021 đến ngày 12/9/2022, đã vận hành dự án tại các cơ sở tham gia (các cơ sở chăn nuôi, thu gom, 08 cơ sở giết mổ, 08 chợ, 04 cơ sở bán sỉ, 02 cửa hàng tiện lợi, 01 siêu thị). Có 12.306 con heo được truy xuất nguồn gốc.
Việc vận hành hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cổng trang trại đến người tiêu dùng trong thời gian qua đảm bảo theo quy trình truy xuất đã được phê duyệt. Các cá nhân, tổ chức tham gia dự án được nhận hỗ trợ về vật dụng truy xuất nguồn gốc: vòng nhận diện, vòng niêm phong, tem truy xuất, bảng hiệu theo quy định của dự án; được hỗ trợ quảng bá theo nội dung các chương trình của dự án trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các kênh thông tin của chính quyền.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch được duyệt, nguyên nhân là do thói quen của người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến thông tin truy xuất về nguồn gốc sản phẩm thịt heo; các Sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia dự án; lựa chọn và triển khai truy xuất tại các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý tham gia dự án; Các Sở, ngành, địa phương chưa quan tâm kết nối giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, cung ứng thịt heo với các tiểu thương trong chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại; giữa đơn vị cung ứng thực phẩm với bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học…
Nguyễn Thị Hoa - Phòng Kiểm dịch - Chi cục Chăn nuôi và Thú y.