26 Tháng Tư 2024
Chào mừng quý vị đến với Website CHI CỤC THÚ Y TỈNH ĐỒNG NAI
  Tin tức tổng hợp

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ LIÊN QUAN BỆNH TAI XANH TẠI GIA TRẠI Ở MIỀN NAM

Trong vòng 9 năm qua, kể từ những đợt dịch tai xanh (PRRS) năm 2006 tại Việt Nam, với sự nỗ lực của ngành thú y, các đơn vị nghiên cứu, các công ty thuốc thú y, và người chăn nuôi, tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra mỗi năm với các mức độ khác nhau. Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch, việc cung cấp một số thông tin cơ bản về dịch tễ cho người chăn nuôi, nhân viên kỹ thuật là cần thiết. Mục tiêu của bài viết này là xác định các yếu tố nguy cơ liên quan dịch tai xanh tại gia trại chăn nuôi heo của một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Nguy cơ được hiểu như khả năng hay xác suất xảy ra một sự kiện nào đó. Nguy cơ cao tức là khả năng xảy ra cao, và ngược lại. Cụ thể hơn là nếu xác định trại của bạn có nguy cơ cao tức là khả năng xảy ra bệnh cao. Nguy cơ có thể được đo lường bằng giá trị xác suất, giá trị này biến thiên từ 0 đến 1, tương ứng từ thấp đến cao. Tuy nhiên việc đo lường này không dễ dàng và khó chính xác vì trên thực tế nhiều yếu tố tác động cùng một lúc lên khả năng xuất hiện bệnh. Bên cạnh đó việc thể hiện trị số xác suất khó hình dung và ít có giá trị ứng dụng thực tiễn. Chính vì vậy người ta có thể gọi tỉ số nguy cơ để so sánh nguy cơ của một yếu tố này so với nguy cơ của một yếu tố khác. Tỉ số này có thể dễ hiểu hơn và mang lại kết luận có tính thực tiễn. Ví dụ nếu trại không sử dụng biện pháp sát trùng thì trại đó có nguy cơ xảy ra bệnh cao gấp 5 lần so với trại sử dụng biện pháp sát trùng; nói cách khác, nếu sử dụng biện pháp A thì có thể giảm 5 lần nguy cơ xảy ra bệnh. Với kết luận kiểu này có thể giúp người chăn nuôi chọn các giải pháp áp dụng để giảm được nguy cơ xảy ra bệnh cho gia trại của họ.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ đều được đề cập trong bài viết về an toàn sinh học, tuy nhiên cần xác định yếu tố nào chiếm vai trò quan trọng trong từng bệnh cụ thể và từng vùng địa lý khác nhau là điều cần thiết. Đối với bệnh tai xanh (PRRS), đã có rất nhiều nghiên cứu về yếu tố nguy cơ xảy ra bệnh ở một trại heo nhưng chủ yếu đề cập trong điều kiện chăn nuôi ở các nước tiên tiến. Ở Việt Nam, có một số công trình đề cập đến yếu tố nguy cơ đối với bệnh tai xanh do vi-rút biến chủng tuýp 2 (dòng Bắc Mỹ) tại Trung Quốc lây lan. Nhìn chung các nghiên cứu này đề cập 4 nhóm yếu tố quan trọng bao gồm (1) nhập heo từ bên ngoài, (2) nuôi nhiều loại động vật, (3) qui mô trại, (4) vị trí của trại.

Đối với việc nhập heo vào trại, thông thường nái hậu bị và heo lứa nuôi thịt là 2 nhóm quan trọng. Khảo sát trong một đợt dịch cho thấy những hộ chăn nuôi nhập heo trong vòng 6 tháng thì nguy cơ xảy ra dịch cao gấp 2 lần so với những hộ không nhập heo. Do đó để khắc phục nguy cơ của yếu tố này thì hạn chế việc nhập heo từ nguồn bên ngoài trại. Điều quan trọng là trại cần chủ động sản xuất nguồn heo giống ổn định (có kế hoạch); trong trường hợp cần nhập heo từ bên ngoài, cần hết sức thận trọng. Trong điều kiện bắt buộc thì nên biết rõ nguồn gốc đàn heo đó là đàn âm tính(không có triệu chứng của bệnh và kết quả xét nghiệm vi-rút PRRS âm tính). Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, ở một số trại lớn việc xét nghiệm có thể thực hiện được, nhưng với những trại nhỏ khó khả thi do chi phí xét nghiệm cao. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, việc mua bán heo lứa nuôi thịt được thực hiện ở các chợ thị trấn hoặc bán dạo. Đây là nguồn heo hết sức nguy hiểm vì không biết nguồn gốc cũng như tình trạng nhiễm bệnh. Chính vì vậy ngành chăn nuôi ở địa phương (xã, huyện) cần xây dựng các cơ sở chăn nuôi heo giống uy tín hoặc cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch tai xanh để có thể cung cấp cho thị trường nguồn heo không mang mầm bệnh.


Trên thực tế việc xét nghiệm và chứng nhận đàn heo giống âm tính cũng không phải dễ dàng. Do đó việc nhập heo từ đàn có nhiễm nhưng ở tình trạng ổn định vẫn có thể chấp nhận được. Đàn heo nhiễm ổn định được định nghĩa là đàn có sự hiện diện của vi-rút trong đàn heo nái nhưng không thải vi-rút cho đàn heo con theo mẹ, nên không xuất hiện triệu chứng ở đàn heo con sau cai sữa. Heo nái được tiêm phòng hoặc tạo thích nghi để có đủ kháng thể, không bài thải vi-rút, và truyền kháng thể cho heo con theo mẹ. Trong điều kiện nuôi heo cùng vào cùng ra thì việc nhiễm ổn định có thể tạo ra đàn heo con theo mẹ và heo sau cai sữa âm tính. Nhưng điều kiện chăn nuôi mà trong đó nhiều lứa tuổi nhốt chung hay vệ sinh sát trùng giữa các khu trại không tốt thì có khả năng trại nhiễm ổn định có heo con theo mẹ sức khoẻ tốt, nhưng đàn heo con sau cai sữa có triệu chứng bệnh do nhiễm vi-rút vào khoảng 2-3 tuần sau cai sữa (vi-rút này lan truyền do nhốt lẫn lộn heo lớn tuổi với heo nhỏ tuổi, truyền qua không khí trong khoảng cách gần, hoặc truyền qua vật dụng giữa các dãy). Như thế phải xác định rõ nguồn gốc trại để biết trại giống nhiễm ổn định và không bệnh trên heo con sau cai sữa. Không được nhập heo từ trại nhiễm ổn định mà heo con theo mẹ có sức khoẻ tốt nhưng đàn heo con sau cai sữa có triệu chứng bệnh, và trại mới có dịch cấp tính hoặc bị nhiễm mầm bệnh dai dẵng

 Tương tự với việc nhập heo, việc sử dụng nguồn tinh không rõ nguồn gốc cũng có khả năng làm nguy cơ bệnh tăng. Yếu tố sử dụng nguồn tinh bên ngoài đã được đề cập như yếu tố nguy cơ cho PRRS nói chung vì khả năng truyền bệnh qua tinh dịch từ heo nọc nhiễm. Trong điều kiện Việt Nam, việc xác định được tầm quan trọng của yếu tố này  trong truyền bệnh tương đối khó do đa số các hộ chăn nuôi nhỏ đều sử dụng nguồn tinh từ bên ngoài. Một nghiên cứu tại miền Nam đã cho thấy các trại mua tinh từ bên ngoài có nguy cơ xảy ra bệnh cao gấp 10 lần so với trại chỉ sử dụng nguồn tinh của trại mình.

Nuôi chung nhiều động vật trong trại được cho là làm gia tăng nguy cơ xảy ra bệnh.Điều này được lý giải rằng khi có nhiều vật nuôi thì khả năng lan truyền mầm bệnh từ bên ngoài vào trại cao hơn vì các hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc xảy ra nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự truyền bệnh cơ giới, nghĩa là các động vật này có thể mang mầm bệnh từ khu vực này đến khu vực khác. Một nghiên cứu về dịch năm 2009 cho thấy nuôi vịt thả tự do trong trại (có tiếp xúc giữa vịt và heo) làm tăng nguy cơ bệnh tai xanh gấp 3 lần. Việc này được cho là vi-rút có thể lan truyền từ nguồn thức ăn xanh của vịt hoặc có thể theo một cơ chế nào đó để lây lan, tích trữ, hoặc kết hợp một mầm bệnh nào đó nhân lên ở vịt rồi truyền cho heo và gây bệnh. Một số nghiên cứu chứng minh khả năng truyền vi-rút PRRS từ vịt và chim cho heo, tuy nhiên một số khác chưa hoàn toàn thống nhất kết quả này. Không chỉ nhiều loài động vật nuôi chung trong trại mà nhiều động vật không nuôi khác hiện diện ở trại (ví dụ như chim, chuột) cũng góp phần gia tăng nguy cơ lan truyền mầm bệnh.

Qui mô đàn làm tăng nguy cơ bệnh.Khi trại có qui mô càng lớn thì càng phức tạp hơn trong vấn đề quản lý nên khó kiểm soát trường hợp mầm bệnh được truyền từ bên ngoài vào. Chẳng hạn như số lượng công nhân nhiều hơn, lượng tinh thu mua, lượng thức ăn vận chuyển vào trại… đều tăng lên. Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi tăng gấp đôi số heo nái sẽ tăng nguy cơ xuất hiện bệnh lên 1,5 lần.  Do đó, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, một số trại thực hiện biện pháp đóng đàn (không tăng đàn, hoặc nếu cần thiết thì giảm đàn để giảm nguy cơ mắc bệnh).

 Cuối cùng là yếu tố vị trí trại.Đây là yếu tố khó có thể thay đổi được nhưng người chăn nuôi cần hiểu rõ bản chất để có hướng hạn chế tác động của yếu tố này. Vị trí trại được đánh giá thông qua giá trị khoảng cách: khoảng cách tới trại gần nhất, khoảng cách từ trại đến lò mổ, và khoảng cách từ trại đến trạm trung chuyển heo. Đối với  khoảng cách tới trại lân cận, các nghiên cứu chưa cho thấy được việc tăng nguy cơ một cách đáng kể khi giảm khoảng cách. Tuy nhiên, các phân tích không gian đã chỉ ra rằng các trại bệnh có xu hướng gần nhau hơn so với phân bố trại ngẫu nhiên. Thật ra yếu tố khoảng cách này bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến việc lan truyền mầm bệnh. Chẳng hạn như khả năng lan truyền mầm bệnh bằng đường không khí thông qua những hạt khí dung. Đối với vi-rút PRRS đã có một số nghiên cứu chứng minh sự truyền lây này. Tuy nhiên có ý kiến khác cho rằng khả năng này phụ thuộc vào chủng vi-rút PRRS. Một số nghiên cứu thử nghiệm lắp đặt hệ thống chuồng kín có bộ lọc khí ra vào trại đã giảm tối thiểu khả năng nhiễm bệnh cho trại. Trong điều kiện chăn nuôi gia trại, việc thiết kế chuồng kín và bộ lọc khí là không khả thi. Do đó việc thiết lập hệ thống lọc khí tự nhiên (chẳng hạn như rào chắn, hàng cây xung quanh trại) cũng có thể có giá trị tốt trong việc hạn chế sự lan truyền vi-rút PRRS. Đối với khoảng cách từ trại đến lò mổ, và điểm trung chuyển heo (chợ mua bán heo), nghiên cứu cho thấy trại càng gần các điểm này thì nguy cơ bệnh càng cao. Cụ thể là trại gần điểm trung chuyển dưới 1000 mét có nguy cơ bệnh cao gấp 6 lần so với trại xa điểm trung chuyển. Tương tự, trại gần lò mổ 1000 mét có nguy cơ bệnh cao gấp 7 lần so với hộ xa lò mổ trên 1000 mét.

 Yếu tố về khoảng cách địa lý thật ra còn có thể xem như là yếu tố đại diện (proxy factor) cho nhiều yếu tố khác liên quan đến nguy cơ lây truyền mầm bệnh. Chẳng hạn như các trại có khoảng cách gần nhau thì khả năng lây lan do con người, động vật, hoặc côn trùng (ruồi, muỗi) có thể mang và truyền mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác. Thậm chí các trại gần nhau có thể chia sẻ các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, điều này làm cho mầm bệnh lan truyền từ trại này sang trại khác. Đã có nghiên cứu xác định được sự hiện diện của vi-rút PRRS trên ruồi. Do đó ruồi là vật lan truyền mầm bệnh từ trại bệnh, lò mổ, điểm trung chuyển sang trại nhạy cảm là có thể xảy ra.

 Các vấn đề nêu trên được tổng hợp từ những nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh tai xanh lâm sàng được thực hiện ở một tỉnh miền nam Việt Nam trong các đợt dịch năm 2008-2010. Thông tin này có ý nghĩa giúp cho các trại nhận định, đánh giá nguy cơ hiện diện nhằm đưa ra những dự báo và những phản ứng thích hợp để hạn chế thiệt hại do bệnh PRRS có thể xảy ra. 

  Nguyễn Tân Lang- Trạm CĐXN

(Theo nguồn internet; Ts. Lê Thanh Hiên, Trường đại học Nông lâm Tp.HCM).

>> BỆNH VIÊM PHỔI MÀNG PHỔI TRÊN HEO (APP) (16/06/2015)

>> HOẠT ĐỘNG THỂ THAO MỪNG KỈ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THÚ Y VIỆT NAM 11/07 (15/06/2015)

>> LUẬT BHXH SỐ 58/2014/QH13 HIỆU LỰC TỪ 01/01/2016 (15/06/2015)

>> XỬ LÝ LÒ GIẾT MỔ HEO TRÁI PHÉP (26/05/2015)

>> PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ LÒ MỔ KHÔNG PHÉP (26/05/2015)

>> BẮT QUẢ TANG VỤ GIẾT MỔ HEO LẬU (26/05/2015)

>> Loài rận ký sinh tí hon ‘tung hoành’ trên da mặt người (21/05/2015)

>> QUY TRÌNH MỔ KHÁM CHẨN ĐOÁN BỆNH Ở GIA CẦM (22/05/2015)

>> BỆNH GHẺ Ở CHÓ (26/05/2015)

>> HỘI CHỨNG HOẠI TỬ GAN TỤY CẤP TÍNH Ở TÔM (08/05/2015)


Quay Về
Tìm kiếm theo ngày tháng
Tìm kiếm theo tiêu đề
  Báo cáo
  • THÔNG BÁO kết quả tuyển dụng
  • Thông báo tuyển dụng Viên chức năm 2024
  • THÔNG BÁO Về việc tuyển dụng nhân viên thú y cấp xã năm 2023
  • THÔNG BÁO Danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn, không đủ tiêu chuẩn xét tuyển nhân viên thú y cấp xã trê
  • QUYẾT ĐỊNH Ban hành Danh mục chi tiết về biểu giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động
  • THÔNG BÁO Thí sinh đủ điều kiện tham dự vòng 2 (vòng phỏng vấn) kỳ tuyển dụng viên chức Chi cục Chăn
  • THÔNG BÁO Về việc tuyển dụng viên chức năm 2022
  • Kế hoạch về việc tuyển dụng viên chứu năm 2022
  • Mời các thí sinh trúng tuyển Viên chức năm 2020 ký hợp đồng làm việc đối với viên chức.
  • Kết quả tuyển dụng viên chức năm 2020
  • Thông báo kết squả phỏng vấn tuyển viên chức vòng 2
  • Thông báo: Triệu tập thí sinh tham dự vòng 2
  • Thông báo tuyển dụng viên chức 2020
  • Thông báo nghỉ lễ
  • Thông báo tuyển sinh năm 2018
  • Thông báo kết quả điểm các thí sinh dự xét tuyển dụng viên chức CCCNTY năm 2017
Xem tiếp
   
  đề án chăn nuôi